Thứ Hai – Chủ Nhật: 7:00 – 18:00

CAO ĐẲNG DƯỢC

Đào tạo người dược sỹ là nhân lực trực tiếp làm các công việc như phòng thí nghiệm của các cơ sở đào tạo, nghiên cứu; viện, trung tâm, phòng kiểm nghiệm; các công ty dược, nhà thuốc, quầy thuốc, kho thuốc; bộ phận dược của các cơ sở y tế như bệnh viện các tuyến, trung tâm y tế, trạm y tế, phòng khám chữa bệnh…, có năng lực hành nghề tương ứng với trình độ cao đẳng; có đạo đức, sức khỏe; có trách nhiệm nghề nghiệp; có khả năng sáng tạo, thích ứng với môi trường làm việc trong bối cảnh hội nhập quốc tế; bảo đảm nâng cao năng suất, chất lượng lao động; tạo điều kiện cho người học sau khi hoàn thành khóa học có khả năng tìm việc làm, tự tạo việc làm hoặc học lên trình độ cao hơn.

1.2. Mục tiêu cụ thể

1.2.1. Kiến thức

- Trình bày và vận dụng được các kiến thức cơ bản về vi sinh - kí sinh trùng, giải phẫu sinh lý, bệnh học, hóa sinh, hóa vô cơ, hóa hữu cơ, hóa phân tích, thực vật vào chuyên môn Dược.

- Trình bày được những đặc điểm chính (dược động học, tác dụng, cơ chế tác dụng, chỉ định, tác dụng không mong muốn, chống chỉ định) của các thuốc, vắc xin; phát hiện được các tương tác thuốc thường gặp và đưa ra biện pháp hạn chế tương tác bất lợi; phân tích được được chế độ sử dụng thuốc phù hợp cho từng đối tượng cụ thể: trẻ em, người trưởng thành, người cao tuổi, phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú… và các ca lâm sàng từ đó có tư vấn hợp lý.

- Trình bày được tên khoa học, bộ phận dùng, cách thu hái, chế biến sơ bộ, thành phần hóa học, công dụng, cách dùng của một số vị thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu.

- Phân tích được vai trò các thành phần trong công thức thuốc; phân biệt được các dạng bào chế và hướng dẫn sử dụng các các dạng bào chế; mô tả được quy trình sản xuất một số dạng thuốc.

- Trình bày được quy định lấy mẫu, lưu mẫu kiểm nghiệm; hủy mẫu kiểm nghiệm; liệt kê được các chỉ tiêu và mô tả được phương pháp thử trong kiểm nghiệm thuốc và nguyên liệu làm thuốc; trình bày hệ thống quản lý chất lượng thuốc tại Việt Nam và các quy định đảm bảo chất lượng.

- Trình bày được các nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt trong thực hành nghề nghiệp; các quy định về sắp xếp, bảo quản thuốc, hóa chất, dược liệu, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm và vật tư y tế.

- Trình bày và vận dụng được các khái niệm, các quy luật và nguyên tắc cơ bản của quản lý kinh tế dược và quản trị kinh doanh dược, Marketing dược trong hành nghề.

- Trình bày và vận dụng được một số nội dung cơ bản của Luật Dược và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hành nghề dược.

- Trình bày được các kiến thức cơ bản về giáo dục chính trị, pháp luật, các tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp để vận dụng vào việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân nói chung, liên quan đến ngành Dược nói riêng.

1.2.2. Kỹ năng

- Thực hiện thành thạo được các kỹ thuật bào chế thuốc cơ bản, áp dụng được các quy trình bào chế các dạng thuốc vào lĩnh vực sản xuất, đồng thời thực hiện việc pha chế một số thuốc tại cơ sở y tế.

- Sử dụng được các dụng cụ, thiết bị cơ bản trong phòng thí nghiệm phục vụ cho công tác kiểm nghiệm thuốc, hóa chất, nguyên liệu thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm; lấy mẫu thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng kiểm nghiệm theo đúng quy định. pha chế được một số dung dịch chuẩn, dung dịch gốc, thuốc thử đúng quy định; kiểm nghiệm được một số dạng thuốc, dược liệu cơ bản theo tiêu chuẩn Dược Điển.

- Nhận biết và hướng dẫn sử dụng được các thuốc hóa dược, vắc xin, sinh phẩm và một số vị thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu thiết yếu trong Danh mục thuốc thiết yếu an toàn, hiệu quả, hợp lý;

- Sắp xếp, trưng bày, bảo quản thuốc, hóa chất, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược liệu, vật tư y tế theo đúng quy định;

- Xây dựng được mối quan hệ thân thiện, hợp tác, tin tưởng với người bệnh, người chăm sóc, khách hàng và cộng đồng. Sử dụng được các kỹ năng giao tiếp hiệu quả nhằm khai thác thông tin liên quan đến sức khỏe của người bệnh; xác định được các tình huống cần có sự tư vấn của dược sỹ hoặc bác sỹ; tư vấn, lựa chọn thuốc và hướng dẫn sử dụng được các thuốc cơ bản đảm bảo an toàn, hiệu quả, hợp lý.

- Lập được kế hoạch cung ứng, bảo quản, cấp phát, sử dụng thuốc, hóa chất, nguyên liệu, vật tư y tế tiêu hao tại khoa Dược bệnh viện, Công ty phân phối thuốc, Nhà thuốc và quầy thuốc. Đồng thời có khả năng tổ chức thực hiện, giám sát, đánh giá công việc hiệu quả; thu thập và xử lý thông tin một cách khách quan, chính xác và đưa ra quyết định phù hợp.

- Sử dụng được ngoại ngữ và tin học cơ bản, ứng dụng được ngoại ngữ, tin học vào công việc chuyên môn của ngành, nghề.

1.2.3. Năng lực tự chủ và trách nhiệm

- Tuân thủ các nguyên tắc, các quy định về an toàn lao động; nguyên tắc sử dụng bảo dưỡng các trang thiết bị trong ngành dược; chịu trách nhiệm về quá trình kiểm nghiệm; về chất lượng, lựa chọn, mua sắm, cấp phát, hướng dẫn sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, hiệu quả.

- Có khả năng tìm kiếm, phân tích và đánh giá thông tin; thông tin một cách

hiệu quả, tin cậy tới các đối tượng khác nhau.

- Có khả năng làm việc độc lập hoặc tổ chức làm việc theo nhóm để cùng đạt tới mục tiêu chung và hướng dẫn, giám sát, đánh giá hiệu quả công việc của các thành viên trong nhóm.

- Có khả năng giải quyết công việc, vấn đề phức tạp trong điều kiện làm việc thay đổi.

- Tận tụy với sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân, hết lòng phục vụ người bệnh.

- Hướng dẫn giám sát cấp dưới thực hiện nhiệm vụ.

- Thực hiện hành nghề theo quy định của pháp luật, tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp, các quy chế chuyên môn để thiết lập môi trường làm việc an toàn, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

1.3. Vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp

Sau khi tốt nghiệp chương trình đào tạo cao đẳng Dược, người học sẽ làm việc trong các cơ sở y tế (bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế, Viện kiểm nghiệm, trung tâm kiểm nghiệm thuốc, thực phẩm, mỹ phẩm…); cơ sở sản xuất, kinh doanh Dược... của nhà nước hoặc tư nhân.

2. Khối lượng kiến thức và thời gian khóa học

- Số lượng môn học/ mô đun: 32

- Khối lượng kiến thức, kỹ năng toàn khóa học: 115 tín chỉ